Vẫn là những thương hiệu quen thuộc, các công ty bánh kẹo lớn đều sản xuất bánh Trung Thu, các cửa hàng bánh ngọt cũng nhập cuộc, các khánh sạn lớn đều có những thương hiệu bánh nổi tiếng sang trọng.
Về chủng loại thì không thể nào kể hết vô vàn các loại bánh, nhân thập cẩm thì được cho thêm đủ thứ từ gà quay, dăm bông, vây cá, bào ngư… tới những loại phá cách với nhân sôcôla, hạt dẻ… Người ta cho thêm vào đủ thứ để lấy cớ mà tăng giá. Từ chiếc bánh cổ truyền dành cho trẻ con phá cỗ đêm Rằm giờ trở thành loại quà tặng đắt tiền được đặt trong những chiếc hộp gỗ lót lụa, những hộp giấy đẹp đẽ, sang trọng dành riêng để đi biếu mà giá có khi lên tới hơn 1 triệu đồng. Những loại bánh đẹp đẽ đó thường mua để đi biếu. Còn để ăn thì nhiều người tìm đến những hiệu bánh tư nhân nổi tiếng từ lâu.
Nhìn dòng người xếp hàng vài tiếng đồng hồ trên phố Thuỵ Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) để mua cho được bánh nướng bánh dẻo Bảo Phương thì thấy rất rõ điều đó. Tại sao ngoài kia ê hề các loại bánh mà người ta lại phải chịu mất thời gian xếp hàng ở đây để mua cho được mấy cái bánh. Đơn giản vì nó ngon, nó đúng là loại bánh cổ truyền để dành cho đêm rằm Trung Thu, không thêm thắt, tô vẽ gì. Cũng là chiếc bánh nướng nhân thập cẩm với mứt bí, thịt mỡ, vừng… lất phất mấy sợi lá chanh thơm nức… sao mà hợp vị đến thế, vừa ăn vừa muốn hít hà. Cái hương vị cổ truyền ấy vẫn có sức hấp dẫn đến vậy. Dường như quá chán với những chiếc bánh được sản xuất công nghiệp, đều tăm tắp, nhiều người tìm về với loại bánh truyền thống này.
Lâu nay tôi cứ lấy làm lạ vì mấy đứa trẻ con trong nhà thấy bánh nướng bánh dẻo là thờ ơ, không thèm đụng tới. Những cái bánh nướng vỏ mỏng dính, nhân đậu xanh mà chúng gọi là bánh chè kho, những chiếc bánh dẻo nhão nhoét… thì làm sao hấp dẫn được trẻ con thành phố vốn đã thừa mứa những đồ ngọt. Vậy mà năm nay bọn trẻ cũng hào hứng với bánh nướng nhân thập cẩm. Hoá ra, cái gì hợp lý thì mãi tồn tại.